Những điều bạn nên thay đổi ngay trong hồ sơ xin việc của mình

Thay vì một mục tiêu được ghi chung chung trong CV, hãy ghi rõ lí do tại sao bạn muốn ứng tuyển vào vị trí đó trong thư xin việc (cover letter).

Theo bạn thì mỗi nhà tuyển dụng có bao nhiêu phút để đọc hồ sơ của một ứng viên? Câu trả lời là không quá 1 phút. Có thể đã từng có rất nhiều người khuyên bạn “hãy sáng tạo hơn trong cách trình bày CV”, “hãy liệt kê ra tất cả những công việc bạn đã từng làm”, “hãy kể tất cả các thành tích bạn đã đạt được”… Tuy nhiên nó sẽ khiến cho CV của bạn dài tới 4-5 trang, hoặc được trình bày lộn xộn, font chữ, màu sắc không hợp lí khiến ngay khi mở ra nhà tuyển dụng đã lập tức muốn tắt đi và chuyển sang ứng viên khác.

Tất nhiên là bạn chỉ đang cố gắng để tạo sự chú ý và mong muốn những thành tích và kinh nghiệm của bạn được thể hiện hết trên CV. Thế nhưng có một số nguyên tắc bạn cần thay đổi để bắt nhịp với xu hướng mới trong thời đại kĩ thuật số.

“Mục tiêu nghề nghiệp”
Một trong những lời khuyên bạn hay được nghe rằng bạn nên có một dòng ghi “mục tiêu nghề nghiệp” (ví dụ: “Mục tiêu: được làm việc trong một môi trường năng động để thử thách và áp dụng được kiến thức và kinh nghiệm của mình”). Có thể lời khuyên này vẫn đúng vào năm 2012 nhưng bây giờ đã trở nên lỗi thời. Nhà tuyển dụng đã quá chán khi phải đọc đi đọc lại những dòng chữ được copy paste thường xuyên trong các bản CV, đặc biệt của sinh viên mới ra trường. Thay vì một mục tiêu được ghi chung chung trong CV, hãy ghi rõ lí do tại sao bạn muốn ứng tuyển vào vị trí đó trong thư xin việc (cover letter).

Viết ngắn gọn trong 1 trang giấy
Nếu bạn có ít hơn 10 năm kinh nghiệm thì một CV dài 3-4 trang giấy sẽ là lí do đầu tiên khiến nhà tuyển dụng không muốn đọc. Bạn hoàn toàn có thể sử dụng các công cụ có sẵn trong Word để thay đổi format, hoặc chỉ chọn ra những kinh nghiệm phù hợp nhất với công việc đang ứng tuyển. Hãy nhớ rằng thời gian bạn đầu tư để soạn ra một CV ngắn gọn sẽ rút ngắn thời gian lọc hồ sơ cho nhà tuyển dụng giữa một núi các thư xin việc và cũng đồng nghĩa với việc cơ hội cho bạn tăng lên rất nhiều.

Đừng quá sáng tạo với phông chữ
Kể cả khi bạn ứng tuyển cho vị trí liên quan đến thiết kế, sáng tạo thì quá nhiều phông chữ khác nhau trong 1 trang CV cũng không giúp bạn trở nên “sáng tạo” hơn trong mắt nhà tuyển dụng, thậm chí còn ngược lại. Lời khuyên là: bạn hãy dùng duy nhất 1 loại phông chữ, cùng lắm là 2 và đưa cho một người bạn tin tưởng để nhận xét khách quan trước khi gửi hồ sơ đi. Những loại phông chữ quá cầu kì, khó đọc cũng là một trong những điểm trừ lớn bạn cần lưu ý.

Kinh nghiệm làm việc
Như đã nói ở trên, bạn không cần liệt kê ra hết các công việc mình đã làm nếu nó không liên quan đến vị trí bạn đang ứng tuyển. Thay vào đó, sẽ có ích hơn nếu bạn liệt kê được những thành tích và kĩ năng mình đã học được từ công việc đó. Ví dụ: nếu bạn đã thực tập ở một công ty truyền thông và công việc của bạn là viết nội dung và quản lí fanpage, thay vì viết trong phần kinh nghiệm làm việc chỉ đơn thuần là là “viết nội dung và quản lí fanpage”, bạn có thể thay đổi thành “quản lí fanpage và giúp tăng lượng fans 50% cho thương hiệu X nhờ việc thiết lập nội dung phù hợp với đối tượng khách hàng mục tiêu”. Hãy biến mục “kinh nghiệm làm việc” thành nơi giúp bạn thể hiện khả năng của mình tốt nhất.

Các kỹ năng
Hãy loại ngay những kĩ năng mà bất cứ ai cũng bắt buộc phải có khi ứng tuyển (ví dụ: “kỹ năng sử dụng các phần mềm tin học văn phòng một cách thành thạo”, hoặc “kĩ năng tìm kiếm trên Internet”). Thay vào đó, bạn hãy kể một câu chuyện mà qua đó các kĩ năng của bạn được thể hiện rõ nhất (ví dụ: tôi đã từng làm việc 3 tháng hè tại KFC và học được kĩ năng chăm sóc khách hàng thông qua việc thường xuyên phải làm việc ca tối với lượng khách hàng rất đông). Nhà tuyển dụng luôn muốn có một hình dung cụ thể về bạn.

Thông tin cá nhân và ảnh
Nếu bạn không có một bức ảnh chụp đời thường rõ mặt và thể hiện được đúng thần thái của bản thân thì tốt hơn hết là để một CV không có ảnh, thay vì dùng ảnh thẻ 3×4, trừ khi được yêu cầu trong hồ sơ xin việc. Ảnh thẻ dễ gây mất thiện cảm cho nhà tuyển dụng vì bạn bị gò bó trong các khuôn phép (không được cười, phông trắng hoặc xanh…). Nhưng bạn cũng đừng vì thế mà sử dụng một bức ảnh “tự sướng” chỉ phù hợp trên Facebook cá nhân.

Sở thích
Hãy cụ thể hoá các sở thích của bạn thay vì những sở thích chung chung mà bạn chỉ thích “hơi hơi”. Ví dụ: thay vì ghi bạn thích đi bộ, đọc sách, tập thể dục, chụp ảnh, du lịch… hãy cụ thể hơn ví dụ: đọc sách hướng nghiệp, chụp ảnh thời trang, du lịch mạo hiểm v…v… vì nó nói nhiều hơn về tính cách cũng như con người của bạn.

Không có một format “chuẩn” nhưng luôn có những nguyên tắc nhất định khi làm CV xin việc. CV và thư giới thiệu (cover letter) là hai “cửa ải” đầu tiên trước khi bạn có cơ hội được mời phỏng vấn trực tiếp. Hãy biến CV như một bản mời “hợp tác kinh doanh”, bạn hãy cho nhà tuyển dụng thấy mình có những thế mạnh và khả năng gì khiến họ cần bạn. Vì thế bạn hãy đầu tư thời gian và công sức để tự tạo cơ hội cho chính mình nhé!

Cùng Danh Mục:

Liên Quan Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *