Cùng học những cách giúp bạn xin tăng lương được thành công
Quan trọng hơn, bạn sẽ không rơi vào tình huống “kể công” theo kiểu trưng ra nào là số liệu, nào là mức lợi nhuận bạn mang về cho công ty trong năm qua.
Từ trước đến nay, đề xuất tăng lương vẫn luôn là chủ đề nhạy cảm, ít được bàn luận công khai dù chắc chắn ai cũng quan tâm đến. Đa phần chúng ta cảm thấy ngại (hoặc sợ) khi phải trao đổi trực tiếp với sếp rằng mình muốn nhận nhiều hơn mức hiện tại. Thậm chí những lời khuyên nhan nhản trên mạng theo kiểu: liệt kê chi tiết các dự án, ghi chép xem mình mang về bao nhiêu lợi nhuận cho công ty…đều nghe khá miễn cưỡng và hầu như chẳng ai ở Việt Nam làm thế.
Nếu đang rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan như trên, mời bạn tham khảo thử 5 cách có vẻ thực tế, hữu dụng hơn nhiều. Không chỉ đủ dũng khí đến gặp sếp xin tăng lương mà cơ hội đề xuất của bạn được chấp nhận cũng sẽ rất cao!
Khảo sát về mặt bằng lương hiện nay
Một trong những lý do phổ biến khiến đề xuất của bạn bị từ chối là vì kì vọng và mức lương bạn đưa ra quá cao so với thực tế. Đành rằng bạn có thể chưa được nhận tương xứng với năng lực, quá trình đóng góp nhưng lương mới còn chịu ảnh hưởng từ mặt bằng lương trên thị trường. Trước khi đề xuất, hãy dành thời gian khảo sát, tìm hiểu thêm về mức lương trung bình cho vị trí hiện tại của bạn. Hai nguồn thông tin phổ biến nhất là thông qua mối quan hệ trong ngành và khảo sát các trang web tuyển dụng lớn như Vietnamworks, Jobstreet…Đây là căn cứ giúp bạn và công ty dễ tìm thấy tiếng nói chung trong quá trình đàm phán lương, đảm bảo cân bằng lợi ích cho cả hai phía.
Cho sếp thấy bạn có thể đóng góp nhiều hơn
Làm thế nào để bạn chứng minh điều này mà không chỉ nói suông? Cách thiết thực nhất là trong quá trình làm việc mỗi ngày, cũng như trong buổi đàm phán, hãy trình bày với sếp xem bạn đã và đang làm gì nhằm nâng cao năng lực bản thân, từ đó đóng góp nhiều hơn cho công ty. Sau giờ làm bạn đang theo học văn bằng 2; vài tháng trở lại đây bạn đã bắt đầu trau dồi trình độ tiếng Anh; giờ bạn có thể tự tin thuyết trình trước đám đông, thậm chí là với đối tác nước ngoài…Những chi tiết nhỏ nhặt đó đều là minh chứng cần thiết để sếp tin bạn đã sẵn sàng cho vị trí (cũng như mức lương) cao hơn. Quan trọng hơn, bạn sẽ không rơi vào tình huống “kể công” theo kiểu trưng ra nào là số liệu, nào là mức lợi nhuận bạn mang về cho công ty trong năm qua.
Vì sao bạn vẫn chưa thể nói tiếng Anh lưu loát trong công việc?
Tăng lương không hẳn chỉ là tăng tiền
Rất nhiều bạn nhân viên quá chăm chăm vào hai chữ “tăng lương” mà quên mất tăng lương không có nghĩa là bạn phải có bằng được số tiền như mình mong muốn. Đôi khi bạn có thể chấp nhận mức tăng ít hơn nhưng chế độ phúc lợi được cải thiện (nhiều ngày nghỉ hơn, chính sách bảo hiểm cho cả người thân, được cử đi đào tạo chuyên môn…). Hãy tính đến giải pháp này nếu bạn gặp trục trặc trong khâu đàm phán vì nó vừa giảm áp lực ngân sách cho công ty, vừa giúp bạn hài lòng hơn với môi trường làm việc, có đủ thời gian cân bằng công việc – cuộc sống.
Lựa chọn thời điểm phù hợp
Ngoài yếu tố nội dung thì yếu tố thời gian cũng đóng vai trò quyết định xem đề xuất tăng lương của bạn có được đồng ý hay không. Thông thường, bạn nên trình bày mong muốn tăng lương trong buổi đánh giá nhân viên hằng năm vì phần lớn các quản lý đều dự đoán trước chủ đề này. Trong trường hợp bạn cần thảo luận sớm, hãy tỏ ra chuyên nghiệp và thông báo trước để sếp bạn có đủ thời gian sắp xếp công việc cũng như chuẩn bị đàm phán. Đặc biệt, đề xuất của bạn chắc chắn sẽ bị từ chối nếu bạn lựa ngay thời điểm công ty đang gặp khó khăn tài chính, mùa cao điểm và sếp đang bị áp lực công việc…Sáng suốt lựa chọn thời điểm sẽ giúp tỷ lệ thành công của bạn cao hơn.
Xem thêm: chuyện thăng tiến ở công ty nước ngoài
Phản ứng đúng cách khi bị từ chối
Vậy nếu chẳng may sau tất cả, bạn vẫn bị sếp từ chối đề xuất tăng lương thì sao? Xin khẳng định ngay đó không phải là dấu chấm hết cho mối quan hệ của bạn với công ty. Đôi khi, chính cách bạn phản ứng lại là chìa khóa giúp bạn tăng lương thành công. Khi bị từ chối, bạn nên tỏ ra chuyên nghiệp, cầu thị và trao đổi thẳng thắn với sếp xem đâu là vướng mắc, bạn cần làm gì để chứng minh bản thân nhiều hơn, với mức lương bạn đề xuất thì sếp mong đợi những gì…Nhiều công ty hiện có 2 đợt đánh giá nhân viên mỗi năm nên 6 tháng sau, bạn có thể thử đề xuất lại lần nữa. Với những hiểu biết thu thập được từ lần trước, tỷ lệ tăng lương thành công của bạn cũng được cải thiện rõ rệt.
Leave a Reply