6 bí quyết khởi nghiệp thành công không phải ai cũng biết
Tính cách tự lập và khả năng làm việc tốt luôn thúc đẩy bạn bắt đầu con đường khởi nghiệp ngay hôm nay. Tuy nhiên, bạn cần biết con đường khởi nghiệp sẽ vô cùng gian nan và thách thức, đặc biệt là trong lúc kinh tế đang rất khó khăn như hiện nay.
Để giúp cho quá trình khởi nghiệp của bạn thuận lợi hơn, tôi xin gửi đến bạn một số lời khuyên:
1/ Không nên khởi nghiệp một mình
Bạn cần có người hiểu, chia sẻ, đồng cam cộng khổ với mình trong lúc khó khăn. Vai trò của người cùng khởi nghiệp rất quan trọng, nếu làm một mình bạn sẽ rất vất vả, hơn nữa nguy cơ thất bại cao, có thêm người sẽ thêm trí tuệ, sức, lực.
Khi chuẩn bị lập nghiệp bạn nên tìm một người thầy, người cố vấn cho mình. Tất cả mọi nhà vô địch đều có ít nhất một người thầy luôn bên cạnh mình. Ngay cả các doanh nghiệp lớn đều luôn có cố vấn, thậm chí phải trả chi phí khá cao để được tư vấn.
Nếu sự nghiệp mình xây dựng mà đúng với niềm đam mê thì cơ hội thàng công của bạn sẽ rất cao và việc phát triển doanh nghiệp sẽ nhanh, bền vững. Vì khi khởi nghiệp, bạn rất vất vả và có thể phải làm việc cả ngày lẫn đêm. Nếu không có tình yêu và sự đam mê thì mọi việc sẽ nhanh chóng trở thành thảm họa. Trong thực tế, nhiều doanh nghiệp đã “chết” vì người chủ chỉ thích tiền mà không yêu sản phẩm và dịch vụ của mình, không yêu thích công việc anh ta đang làm.
Lời khuyên khởi nghiệp: Hãy làm những gì mình thích
Khởi nghiệp với sản phẩm và dịch vụ mà mình thật sự say mê.
2/ Xây dựng các mối quan hệ
Các mối quan hệ này sẽ giúp bạn tự tin, có chỗ dựa, trong đó khách hàng đặc biệt quan trọng. Muốn kinh doanh tốt phải có nhiều khách hàng “ruột” – thường xuyên. Các buổi hội thảo, diễn đàn hiện nay đang thu hút rất nhiều doanh nhân tham gia. Nguyên nhân là tại các buổi này họ không chỉ nhận được kiến thức và kinh nghiệm quý báu mà còn tranh thủ cơ hội xây dựng mạng lưới quan hệ.
3/ Phong cách làm việc chuyên nghiệp
Nhiều bạn khi khởi nghiệp theo kiểu gia đình. Điều này ảnh hưởng rất lớm đến cách điều hành, phân công công việc, cách kiểm soát,… Công việc của từng vị trí, từng cá nhân phải rõ ràng. Xây dựng bộ máy khung, sau đó mới tuyển nhân sự và đào tạo cho phù hợp với khung. Một số bạn khác lại chọn người năng lực trước và bố trí vào đâu tính sau. Họ không quan tâm đến bộ máy khung của doanh nghiệp. Mỗi người có cách đi riêng. Cá nhân tôi thích cách thứ nhất. Phải chuyên nghiệp ngay từ đầu.
4/ Học hỏi từ những người xung quanh
Nhiều bạn khởi nghiệp đã tìm đọc những cuốn sách của các tác giả là lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu thế giới. Điều này không sai. Tuy nhiên tôi khuyên bạn cũng nên tìm hiểu và học từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, từ những doanh nhân mới nổi, từ những người gần gũi với bạn. Do khoảng cách giữa họ và bạn không quá xa nên bạn học được nhiều điều bổ ích và thiết thực hơn.
Hãy học khởi nghiệp kinh doanh từ bất cứ ai xung quanh mình: từ bác bán hủ tiếu đầu ngõ, từ anh xe ôm vất vả. Học từ chị bán rau, bán đậu…
5/ Chú trọng tới đồng tiền
Người khởi nghiệp không chỉ chuẩn bị đủ vốn cho lập nghiệp mà cần xây dựng kế hoạch dòng tiền. Cần bao nhiêu tiền? Huy động ở đâu? Khi nào? Làm sao sử dụng nguồn vốn hiệu quả nhất? Cũng nên nói thêm rằng cần hết sức tiết kiệm khi khởi nghiệp. Mua thiết bị văn phòng, đồ dùng là hàng cũ sẽ giúp bạn tiết kiệm được khá nhiều chi phí.
Bạn không nên quên việc tính đến các nhà đầu tư tiềm năng và những nguồn có thể vay được. Ở Việt Nam, khi bắt đầu khởi nghiệp, vay ngân hàng rất khó nên bạn đừng nghĩ đến chuyện vay ngân hàng. Không tính kỹ dòng tiền và các nguồn tài chính sẽ rất nguy hiểm – nhiều doanh nghiệp sẽ “chết”.
6/ Tạo tầm nhìn, sứ mệnh, slogan cho doanh nghiệp
Nếu những điều này làm tốt ngay từ đầu sẽ giúp doanh nghiệp lớn nhanh, đi xa. Muốn phát triển bền vững cần lưu ý đến văn hóa doanh nghiệp. Chính vì vậy logo, khẩu hiệu, đồng phục… phải được nghĩ đến càng sớm càng tốt.
Trên đây là một số chia sẻ của tôi dành cho những bạn muốn bắt đầu công việc kinh doanh riêng của mình. Hy vọng một ngày nào đó được gặp bạn, được nghe chia sẻ về những thành công của bạn.
Leave a Reply